Sắt thép Trung Quốc nhập khẩu trong 3 tháng đầu năm chiếm 61% tổng lượng nhập khẩu toàn thị trường
Như vậy, trong ba tháng qua, số sắt thép mà Việt Nam nhập từ Trung Quốc đã bằng 1/3 cả năm trước (năm 2015, sắt thép Trung Quốc nhập vào Việt Nam cao nhất là 9,6 triệu tấn). Tốc độ tăng cả về lượng và giá trị, khiến các doanh nghiệp thép trong nước rất lo ngại.
Theo nhận định của các doanh nghiệp, trong 3 tháng đầu năm 2016, các dự án nhà ở, các công trình xây dựng ít hoặc chậm triển khai do lịch nghỉ lễ cũng như khoảng thời gian đầu năm mà lượng nhập khẩu đã tăng vọt như vậy thì những quý còn lại khi tốc độ xây dựng được đẩy mạnh, nhập khẩu sắt thép sẽ còn tăng hơn.
Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) lo ngại: Với tốc độ nhập khẩu phôi thép như hiện nay, Việt Nam có nguy cơ trở thành thị trường tiêu thụ thép nhập khẩu mà nước nhập khẩu chủ yếu là Trung Quốc.
Theo thống kê của VSA, nếu như trước kia Việt Nam chủ yếu nhập khẩu một số loại phôi thép, thép mạ, thép hợp kim do nguyên liệu rẻ và công nghiệp thép trong nước chưa đáp ứng được...thì hiện nay Việt Nam đã nhập nhiều loại thép mà bản thân các doanh nghiệp trong nước tự sản xuất được. Các loại thép nhập tràn vào Việt Nam như phôi thép, thép cuộn, dây thép, tôn mạ kim loại, hợp kim thép.... cạnh tranh trực tiếp với thép trong nước.
Trong đó, sắt thép Trung Quốc đang ngày càng lấn sân thị trường Việt Nam. Theo VSA năm 2015, lượng bán phôi thép của ngành sản xuất trong nước cứ tăng từ 5-10%, thì lượng hàng hóa nhập khẩu tăng từ 150-160%.
Về chủng loại thép nhập khẩu, Việt Nam nhập hơn 1,78 triệu tấn phôi thép, tăng 198% so với cùng kỳ 2014. Ngoài ra, có hơn1,62 triệu tấn thép cuộn và dây thép ước được nhập khẩu, trong khi sản xuất thép cuộn trong nước chỉ đạt 1,13 triệu tấn. Gần 1,43 triệu tấn tôn mạ kim loại và sơn phủ màu được nhập khẩu, tăng 87,55% so với cùng kỳ 2014.
Đáng nói, trong năm 2015, VSA đã lên tiếng về gần 1,1 triệu tấn phôi thép thường của Trung Quốc đội lốt phôi thép “hợp kim” tuồn về Việt Nam để hưởng thuế 0%. Trên thực tế, đây là 1,1 triệu tấn phôi thép thường có pha một hàm lượng crôm nhưng được khai là phôi thép “hợp kim” nhằm lách luật, hưởng ưu đãi.
Theo ông Nguyễn Văn Sưa, Tổng Thư ký VSA, hiện Trung Quốc đang áp dụng hoàn thuế thuế suất thuế nhập khẩu 10% đối với phôi thép hợp kim (thực chất đây là việc trợ giá của Chính Phủ). Nếu, các mức thuế nhập khẩu phôi thép là 0%, đồng thời các doanh nghiệp thép Trung Quốc được Chính phủ nước này trợ giá nữa thì không doanh nghiệp sản xuất phôi thép trong nước cạnh tranh nổi.