Ảnh minh họa
Thương vụ Việt Nam tại Pháp dẫn thông tin từ Cơ quan chống gian lận thương mại thuộc Ủy ban châu Âu (OLAF) cho biết, Hải quan Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Ba Lan trong thời gian qua ghi nhận một số lượng lớn các sản phẩm thép cuộn phủ sơn nhập khẩu từ Việt Nam có dấu hiệu gian lận thương mại.
OLAF nghi ngờ khả năng có doanh nghiệp Trung Quốc bán thép vào Việt Nam rồi để doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang EU dùng C/O Việt Nam để tránh thuế chống bán phá giá. Nếu nghi ngờ này được xác minh, OLAP sẽ kiến nghị Hải quan các nước nhập khẩu truy thu thuế chống bán phá giá (58%) mà EU đang áp dụng đối với thép Trung Quốc.
Theo thống kê đã có khoảng 190 chuyến hàng thép cuộn phủ sơn hoặc được xếp lên tàu tại các cảng của Việt Nam và/hoặc mang theo Giấy C/O Việt Nam do VCCI cấp đã được nhập khẩu vào EU trong giai đoạn 2013 – 2014. Tổng trị giá các chuyến hàng khoảng 19 triệu USD.
Trước đó, hồi cuối năm 2015, đầu năm 2016, nguồn tin dẫn thông tin từ Bộ Công Thương từng cho biết, qua làm việc đã nhận thấy một số doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm về xuất xứ hàng hóa Việt Nam khi xuất sang EU các mặt hàng sắt thép thực chất có xuất xứ Trung Quốc, Đài Loan.
Để bảo vệ uy tín hàng xuất khẩu của Việt Nam, Bộ Công Thương yêu cầu VCCI và Tổng cục Hải quan làm rõ trách nhiệm việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam cho các sản phẩm thuộc loại hình tạm nhập tái xuất, đồng thời có biện pháp xử lý các công ty và cá nhân liên quan.
Hiện tượng doanh nghiệp Việt nhập thép Trung Quốc về để mượn mác Việt Nam rồi xuất đi để hưởng ưu đãi đã từng xảy ra với một doanh nghiệp thép trong nước khiến Hiệp hội Thép Việt Nam phải tổ chức một cuộc họp khẩn. Doanh nghiệp này ngừng sản xuất trong nước, nhập 100% thép thành phẩm Trung Quốc sau đó gắn nhãn mác Việt Nam rồi mang xuất khẩu.
Theo giải thích của doanh nghiệp, do chính sách Trung Quốc hạn chế xuất khẩu phôi, khuyến khích xuất khẩu thép thành phẩm nên Trung Quốc bán phôi thép cho Việt Nam cao hơn giá thép tới 50 - 60 USD/tấn. Nếu nhập phôi về sản xuất trong nước thì giá thép lên tới 8,5 - 8,7 triệu đồng/tấn; trong khi nhập thép thành phẩm Trung Quốc chỉ có 8,1 triệu đồng/tấn, nên sẽ có lợi hơn cho người tiêu dùng.